Nếu cách mở đầu, dẫn dắt vào bài thuyết trình vô cùng quan trọng để gây ấn tượng ban đầu với người nghe thì phần kết thúc một bài thuyết trình cũng đóng vai trò quan trọng không kém, nó được xem như một điểm nhấn cho một bài thuyết trình thành công.
“Điều cuối cùng sẽ sống cùng”, vì vậy để lại trong lòng người đọc cũng do phần kết thúc bài thuyết trình thể hiện.
Cách 1: Tóm lược lại nội dung trước khi kết thúc bài thuyết trình
Đây là điều mà đa số người thuyết trình đều dùng để kết thúc bài thuyết trình của mình. Mục đích giúp người nghe có thể nắm bắt được những ý chính quan trọng của bài thuyết trình. Cách nói vắn tắt những ý chính bạn đã truyền tải suốt bài thuyết trình, nhấn mạnh những ý trọng tâm nhất mà khán giả cần lưu tâm và để ý. Cách này có vẻ hơi truyền thống nhưng là cách dễ nhất để kết thúc bài thuyết trình mà người nghe vẫn nắm bắt được nội dung của nó.
Cách 2: Đặt ra một câu hỏi gợi mở
Kết thúc bằng một câu hỏi gợi mở luôn là cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của mọi người bởi những câu hỏi luôn kích thích vỏ não của chúng ta. Chính vì thế, hãy kết thúc một bài thuyết trình của mình bằng những câu hỏi ấn tượng liên quan. Đó có thể là những câu hỏi kích thích trí liên tưởng, tưởng tượng của người nghe hoặc là những câu hỏi chuyên môn, kĩ năng liên quan đến nội dung bài thuyết trình. Khơi gợi trí tò mò của người nghe là một trong những điểm thu hút đám đông một cách tích cực.
Cách 3: Kêu gọi hành động
Đây cũng là một cách kết thúc bài nói thường được sử dụng. Đây mặc dù là cách kết thúc dễ dàng nhưng hãy nhớ kêu gọi hành động nếu bạn cảm thấy cần thiết, bạn cần ý nhị, tinh tế, tránh vội vàng và quá cảm xúc. Hãy kêu gọi hành động bảo vệ môi trường khi bạn thuyết trình về tình trạng ô nhiễm môi trường, hãy kêu gọi trồng cây xanh khi bạn thuyết trình về việc trồng cây gây rừng… Chắc chắn những lí thuyết đi kèm với việc kêu gọi hành động thực tiễn sẽ rất hữu ích cho bài thuyết trình của bạn.
Cách 4: Kết thúc buổi thuyết trình bằng cảm xúc
Cách kết thúc này vô cùng hiệu quả nếu bạn biết ứng dụng nó một cách thực thụ trong khi kết thúc bài thuyết trình của mình. Nhưng hãy nhớ đừng để cảm xúc quá điều khiển bạn, để bạn trôi theo cảm xúc mà hãy để cảm xúc làm điểm tựa cho bạn khi kết thúc. Một cái kết đầy cảm xúc luôn là một điểm nhấn đặc biệt đầy dư ba trong lòng người đọc.
Cách 5: Kết thúc một cách hài hước
Cách này chỉ hợp với những bài thuyết trình mang tính giải trí và vui nhộn chứ hoàn toàn không phù hợp với những bài thuyết trình cần sự nghiêm túc hay cẩn thận. Chính vì thế, bạn chỉ nên kết thúc bài thuyết trình của mình bằng những trận cười sảng khoái bằng cách kể một câu chuyện hài hước liên quan hay nói những câu nói gây cười khi bài thuyết trình của bạn mang tính giải trí và nội dung không phải quá nghiêm trang.
Cách 6: Kết thúc bằng một hình ảnh gây ấn tượng mạnh
Hình ảnh tiếp xúc bằng thị giác luôn có cảm giác mạnh đối với khán giả. Những cảm xúc mạnh thì luôn để lại ấn tượng đậm nét trong lòng họ. Chính vì thế, kết thúc bài thuyết trình bằng một hình ảnh có hiệu ứng mạnh liên quan đến nội dung bài thuyết trình luôn là một điểm nhấn đáng chú ý cho người nghe. Nó cũng thể hiện rõ tài năng của người thuyết trình với khả năng ứng dụng và sáng tạo cao.