Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) là mô hình giáo dục tiên tiến được ứng dụng dựa trên sự phát triển của công nghệ eLearning và những phương pháp giáo dục hiện đại.
Mô hình lớp học đảo ngược
Theo mô hình lớp học đảo ngược học sinh được xem các bài giảng ở nhà qua mạng do giáo viên của mình cung cấp. Giờ học ở lớp sẽ dành cho các hoạt động thảo luận, hợp tác giúp củng cố thêm các khái niệm đã tìm hiểu.
Học sinh sẽ chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết hơn, các em có thể tiếp cận video bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần (điều này là không thể nếu nghe giáo viên giảng dạy trên lớp). Công nghệ sẽ giúp học sinh hiểu kỹ hơn về lý thuyết từ đó sẵn sàng tham gia vào các buổi làm nhóm, bài tập nâng cao tại giờ học trên lớp.
Điều này giúp việc học tập hiệu quả hơn, giúp người học tự tin hơn. Lớp học đảo ngược khiến việc giảng dạy phải lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị. Những video giáo dục trực tuyến được thiết kế để truyền tải nội dung tập trung vào lý thuyết. Ngoài ra, nội dung của lớp học đảo ngược có thể xây dựng ở nhiều hình thức khác nhau (thậm chí có thể sử dụng nội dung của đơn vị cung cấp bên ngoài)
Lớp học đảo ngược cho phép giáo viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng . Và tại lớp học, học sinh có thể chủ động làm chủ các cuộc thảo luận.
Hiểu một cách đơn giản, phương pháp này đảo ngược trình tự học tập truyền thống; người học lắng nghe bài giảng khi ở nhà còn bài tập và những vấn đề học tập nâng cao, sâu hơn sẽ được thực hiện trên lớp. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, học sinh có thể tiếp cận với video bài giảng trực tuyến bằng nhiều phương tiện như máy tính bảng, điện thoại di động, laptop và chủ động việc học ở mọi không gian thời gian. Thời gian trên lớp được sử dụng cho những hoạt động tương tác và mở rộng từ nội dung cơ bản. Khi lên lớp, giảng viên không tốn thời gian giảng giải lại những nội dung trên video và tập trung vào những hoạt động như tìm hiểu các nghiên cứu tình huống, thảo luận nhóm, bài tập mô phỏng,v.v.
Thời lượng học không gói gọn trong những ngày học trên lớp mà được dàn trải đều trong khoảng thời gian trước và sau khi đến lớp. Hình thức và tương tác học tập được đa dạng hóa thông qua video bài giảng, thảo luận trực tuyến, tương tác đa chiều giữa người học – tài liệu, giáo viên – người học và giữa bạn học với nhau.
Vì sao lớp học đảo ngược lại là phương pháp học tập thế hệ mới?
Ưu điểm của lớp học đảo ngược là giúp người học phát triển khả năng tự học trong môi trường thuận lợi nhất. Ở lớp học truyền thống, học sinh ở những trình độ và khả năng tiếp nhận khác nhau phải bắt kịp với nhịp điệu giảng bài của giáo viên. Trong quá trình tự học và chuẩn bị cho lớp học đảo ngược, học viên tự chủ sắp xếp việc học theo tốc độ và phong cách học tập của mình.
Tính ưu việt của lớp học đảo ngược còn ở sự linh hoạt có thể áp dụng cho nhiều cấp học (tiểu học, trung học, đại học và sau đại học) và nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau (tự nhiên, khoa học, kỹ thuật). Thực tế, phương pháp này được nhiều đại học lớn trên thế giới như Đại học Boston, Đại học Leicester, Đại học Texas,v.v. sử dụng để cách mạng môi trường học tập.
Khi lồng ghép với Thang nhận thức Blooom (Bloom Taxonomy), người học sẽ tự thực hiện các hoạt động tư duy cấp thấp như ghi nhớ và hiểu ở nhà thông qua tư liệu do giảng viên cung cấp. Trên lớp sẽ tập trung vào những hoạt động tư duy cấp cao như phân tích, ứng dụng, đánh giá và sáng tạo.
Phương pháp này đặc biệt phù hợp trong những lớp học mà nền tảng của học sinh trong lớp đa dạng về nhận thức và kiến thức. Học sinh với vốn kiến thức của riêng mình có thể bổ sung những góc nhìn đa chiều làm phong phú thêm nội dung giảng dạy của giáo viên. Giáo viên cũng có cơ hội đi sâu sát giải quyết những vấn đề khúc mắc cụ thể của từng học sinh.
Cấu trúc của mô hình lớp học đảo ngược
Lớp học đảo ngược được chia thành 2 giai đoạn:
2.1. Giai đoạn 1: Tìm hiểu thông tin mới
Giai đoạn này diễn ra hoàn toàn ở nhà. Giáo viên và học sinh sẽ tự làm việc hoặc học tập một mình. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 1 cụ thể như sau:
- Giáo viên: Tìm hiểu thông tin, xác định nội dung, mục tiêu bài học, chuẩn bị bài giảng hấp dẫn cho học sinh. Sau đó, giáo viên quay video bài giảng và cung cấp học liệu cho học sinh qua mạng.
- Học sinh: Xem video bài giảng, đọc sách và tài liệu, học các kiến thức mà giáo viên đã gửi, ghi chép lại các kiến thức thu nhận được, tự làm quiz, bài tập cấp thấp. Đồng thời, học sinh thảo luận trên diễn đàn, ghi lại các câu hỏi thắc mắc, chuẩn bị dự án nhóm. Trong một số trường hợp, học sinh còn có thể tương tác trước với giáo viên hoặc học sinh khác trên hệ thống.
2.2. Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức
Giai đoạn này diễn ra ở lớp học. Học sinh và giáo viên tương tác với nhau, học sinh tương tác với bạn học trong lớp về bài học đã tìm hiểu trước đó ở nhà. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 2 cụ thể như sau:
- Giáo viên: Giáo viên tổ chức thảo luận theo nhiều hình thức khác nhau, nhận xét, đánh giá, giải đáp các câu hỏi của học sinh, chốt lại kiến thức trọng tâm. Sau đó, giáo viên sẽ đưa thêm các kiến thức chuyên sâu vào bài giảng .
- Học sinh: Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, nghe giáo viên giải đáp, giảng giải, làm việc nhóm, thảo luận tình huống, tranh luận, thực hành kỹ năng, thuyết trình cá nhân và nhóm. Ngoài ra, học sinh có thể tham gia các trò chơi để củng cố kiến thức và nghe nhận xét của giáo viên.
Lợi ích mô hình lớp học đảo ngược
Về hình thức, mô hình lớp học đảo ngược chỉ đảo lại mô hình của lớp học truyền thống. Tuy nhiên, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên như:
4.1. Đối với học sinh
- Phát triển kỹ năng tự học và tính kỷ luật cho học sinh. Học sinh chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề, khám phá, lĩnh hội kiến thức để có thể tiến tới các cấp độ cao trong tư duy.
- Môi trường học tập linh hoạt. Học sinh có thể tự lựa chọn địa điểm, thời gian, cách thức, tốc độ học tập phù hợp với bản thân.
- Cung cấp nội dung dạy học có định hướng giúp tối ưu thời gian học tập cho học sinh.
- Học sinh không phải học một mình mà có sự kết nối, tương tác, hỗ trực trực tiếp từ giáo viên và bạn bè. Học sinh có nhiều thời gian để học với giáo viên hơn.
- Học sinh có thể tham gia bài giảng, chốt kiến thức với giáo viên và thu nhận kiến thức chuyên sâu.
- Có cơ hội để phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, đặt câu hỏi phản biện,…
- Bài học trở nên thú vị, thu hút học sinh hơn. Đồng thời, mô hình này tạo ra môi trường học tập sát với học sinh, phù hợp với mọi trình độ, giúp việc học hiệu quả và có ý nghĩa hơn.
- Học sinh có thêm thời gian và dễ dàng áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
- Học sinh dễ dàng tiếp cận bài giảng hơn. Ngay cả khi nghỉ học và bỏ lỡ một số bài học, học sinh vẫn có cơ hội xem lại các thông tin cần thiết và bắt kịp tiến độ học tập của các bạn cùng lớp.
Đối với giáo viên
- Tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng: Các video đã quay sẵn có thể áp dụng nhiều lớp giúp giảm thời gian phải nói lại ở trên lớp như cách dạy truyền thống. Khi cần cập nhật thông tin, giáo viên có thể chỉnh sửa video.
- Tối ưu thời gian làm việc cho giáo viên: Giáo viên có thêm thời gian nghiên cứu kiến thức mới, hướng dẫn, điều hành lớp học và giúp học sinh thực hành, học tập chuyên sâu hơn.
- Đồng thời, giáo viên cũng có thêm thời gian để tương tác, đánh giá điểm mạnh, yếu của mỗi học sinh để dạy học hiệu quả.
- Phát triển kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo: Giáo viên cần tìm tói sáng tạo ra những nội dung và cách trình bày kiến thức sinh động, thú vị để thu hút học sinh vào bài học.
- Tốt cho sức khỏe: Giáo viên không phải nói nhiều và tiếp xúc với viên phấn bảng.
Thách thức đối với lớp học đảo ngược
Tuy mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên và học sinh nhưng việc áp dụng mô hình lớp học đảo ngược vào trong thực tế giảng dạy còn tồn tại nhiều thách thức như:
- Có thể bị phản đối bởi những người cho rằng học sinh chỉ nên học trên lớp, ở nhà để phát triển các kỹ năng khác và vui chơi.
- Với học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa thì đây là một trở ngại. Vì không phải ai cũng có máy tính, điện thoại thông minh, internet và thành thạo công nghệ để học tại nhà.
- Đòi hỏi tính chủ động học tập của học sinh rất cao. Học sinh phải tự học, trang bị kiến thức mới qua bài giảng, tìm hiểu trước các vấn đề, làm các bài tập cấp thấp ở nhà, chuẩn bị câu hỏi thắc mắc. Điều này đòi hỏi học sinh phải chủ động trong mọi khâu và sử dụng nhiều trí não hơn.
- Một số học sinh có thể không thích hợp với việc học tập độc lập. Một số học sinh này tiếp thu chậm, không có khả năng tự học sẽ gặp khó khăn khi phải tự học tại nhà. Điều này có thể dẫn đến việc các học sinh này thiếu kiến thức nền tảng và khó khăn trong việc khám phá thêm kiến thức.
- Phụ huynh cần phải phối hợp cùng giáo viên và đồng hành trong quá trình tự học, chuẩn bị bài ở nhà của con em.
- Giáo viên cần có nhiều kỹ năng hơn so với lớp học truyền thống. Giáo viên cần phải biết định hướng, xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với học sinh.Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên phải liên tục quan sát, đưa ra những phản hồi thích hợp vào thời điểm cần thiết, đánh giá bài làm, thảo luận của học sinh. Đồng thời, giáo viên phải kết nối được các thành trong lớp, cộng tác với các giáo viên khác để cùng cải tiến phương pháp, nâng cao kết quả dạy học.
Giáo viên cần có nhiều thời gian chuẩn bị và nỗ lực hơn. Giáo viên phải biết cách tích hợp nhiều kiến thức, dành thời gian quay video, ghi âm, edit và đăng tải các bài giảng.
- Trình độ tiếng Anh và công nghệ hạn chế làm cho nhiều giáo viên không thể tự tìm và tận dụng được kho bài giảng, tài liệu, tư liệu của các thư viện, trường học nước ngoài. Còn những hạn chế về công nghệ làm cho giáo viên khó khăn khi xây dựng video bài giảng và gửi cho học sinh.
- Có thể gây ra những tác dụng ngược. Nhiều học sinh chưa có thói quen tự học, tự khám phá kiến thức. Nếu không có sự giám sát, các em sẽ mải chơi, xao nhãng, dễ sa vào các kênh giải trí hấp dẫn khác, quên cả việc học. Học sinh cũng có thể bị mất tập trung khi nghe tiếng chuông báo tin nhắn trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều học sinh còn ỷ lại vào thông tin có sẵn trên mạng, lười học, đạo văn.
- Không thật sự phù hợp với với nhu cầu “học để thi”. Theo mô hình lớp học đảo ngược, nhiều thông tin được chia sẻ làm cho học sinh cảm thấy bối rối khi lựa chọn thông tin ôn thi.
Mô hình này cũng không nhằm tới mục đích cải thiện và nâng cao điểm số. Hơn nữa, việc học sinh dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi có thể làm gián đoạn quy trình của lớp học đảo ngược.
6 bước triển khai lớp học đảo ngược
Bước 1 – Kế hoạch: Chọn và chuẩn bị một nội dung đặc biệt mà thầy cô muốn thực hiện trên lớp học đảo ngược của mình. Phác thảo mục tiêu và những nội dung chính của bài học đồng thời lập một kế hoạch bài học cho nội dung đặc biệt đó.
Bước 2 – Ghi lại video: Thay vì giảng dạy bài học của thầy cô một cách bình thường như truyền thống. Thầy cô có thể làm điều này theo bất kỳ cách nào thầy cô muốn, chỉ cần đảm bảo rằng bài học chứa tất cả các yếu tố, mục tiêu mà thầy cô muốn có giống như triển khai 1 lớp học truyền thống. Hãy biên tập lại video một cách thú vị, hấp dẫn và thu hút đối với học sinh. Để biết được video của mình có thật sự hấp dẫn và cuốn hút hay không, hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Nếu là mình, mình có cảm thấy hứng thú khi xem video này hay không?”
Bước 3 – Chia sẻ: Chia sẻ video với học sinh của thầy cô. Hãy giải thích cho học sinh của thầy cô biết rằng nội dung video này sẽ được sử dụng và thảo luận trong lớp sắp tới.
Bước 4 -Thay đổi: Khi học sinh của thầy cô đã xem video bài học, thầy cô hãy tin rằng học sinh sẽ hứng thú hơn và chủ động đào sâu và tìm hiểu các kiến thức trong chủ đề, nội dung mà video đã đề cập!
Bước 5 -Phân nhóm: Một cách tuyệt vời để học sinh chủ động khám phá chủ đề, nội dung bài học là thu hút cả lớp tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm. Chia học sinh thành các nhóm nhỏ hơn để học sinh có cơ hội chia sẻ ý kiến, quan điểm và có cơ hội lắng nghe, tiếp thu cũng như đặt cho nhau nhiều hơn các câu hỏi. Hãy giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ và một mục tiêu để hướng tới.
Bước 6 -Gộp nhóm lại: Bây giờ là lúc thầy cô nên gộp các nhóm nhỏ lại thành một lớp như ban đầu, để các nhóm có cơ hội trình bày và phản biện lẫn nhau. Khuyến khích thảo luận và khuyến khích đặt nhiều câu hỏi cho các nhóm
Sau đó, đánh giá, điều chỉnh, cải tiếp và lặp lại! Tìm ra những gì hiệu quả và những gì không, thêm hoặc bớt các phần tử, thay đổi những thứ xung quanh và thử lại với một bài học khác. Các bài học của thầy cô sẽ tốt dần lên hơn với thời gian và kinh nghiệm thực hành!
(Nguồn: tổng hợp)