Những mẫu bài tập Tết độc đáo, giúp học sinh hứng thú muốn thực hiện ngay lập tức

Ai cũng đã từng trải qua thời học sinh và trong kí ức của mỗi chúng ta, mỗi lần được nghỉ dài như nghỉ hè hay nghỉ Tết nguyên đán, thầy cô đều cho rất nhiều bài tập với mục đích để học sinh không quên kiến thức cũ. Đối với thầy giáo thì bài tập nghỉ lễ có mục đích như vậy còn đối với học sinh, đôi khi đó là một “ác mộng” với lý do là không có thời gian để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, thầy cô giáo bây giờ ngày càng tâm lý và hiểu học sinh hơn. Thầy cô vẫn cho nhiều bài tập nhưng học sinh lại vô cùng đón nhận, thậm chí vô cùng hào hứng.

Dưới đây là 5 mẫu bài tập tết ý nghĩa mà thầy cô có thể tham khảo và áp dụng cho học sinh của mình nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Mẫu bài tập tết ý nghĩa thứ nhất

Cô giáo Cao Thị Hà ở Nam Định hiểu tâm lý học trò không muốn động đến sách vở ngày Tết nên đã giao bài tập gắn với thực tế, trong đó có “giúp bố mẹ dọn nhà cửa sạch sẽ”

Bai tap tet y nghia

Cô Cao Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm 12A7, trường THPT Giao Thủy B, tỏ ra bất ngờ khi bài tập của mình được học sinh yêu thích và hưởng ứng.

“3 năm gắn bó với các bạn trong lớp nên mình hiểu học sinh vốn ham chơi, nghỉ Tết cũng ít quan tâm giúp đỡ cha mẹ. Đây là lời nhắc nhở các bạn, đưa ra dưới dạng bài tập. Kết quả đăng trong group lớp nên các bạn sẽ nhớ để thực hiện hơn”, cô Hà nói.

Nữ giáo viên cho hay nhiều năm đi dạy, cô không hề cho bài tập về nhà, kể cả dịp Tết. Đây là lần đầu tiên nữ giáo viên giao bài tập trong đợt nghỉ đón năm mới.

“Tâm lý nghỉ Tết, không ai muốn mang sách vở ra học. Mình là giáo viên cũng bận bịu với việc nhà, không có thời gian lấy giáo án ra xem. Vì thế, mình nghĩ bài tập thiết thực như vậy sẽ phù hợp các bạn hơn”, nữ giáo viên nói.

Không ít cư dân mạng bày tỏ muốn quay về thời học sinh sau khi đọc danh sách dài những “bài tập về nhà” Tết này. Cô giáo hiểu rằng sau khi tốt nghiệp cấp 3, những học trò nhỏ sẽ có một bước ngoặt quan trọng và các em có thể sẽ phải tự “chèo chống” cho cuộc sống cá nhân, không còn vô tư như trước nữa.

Mẫu bài tập tết ý nghĩa thứ hai

Tờ bài tập về nhà Tết của một học sinh lớp 4 được phụ huynh P.M cũng đã khiến nhiều người xuýt xoa vì quá sáng tạo. Theo đó, cô giáo giao cho những cô cậu học trò nhỏ 20 bài tập. Cũng không phải danh sách bài tập các môn học quen thuộc như Toán, Tiếng Việt… mà là những nhiệm vụ thiết thực để trẻ có một cái Tết ý nghĩa: Dọn góc học tập; cùng bố mẹ dọn dẹp, trang trí nhà cửa; cùng bố mẹ vào bếp nấu ăn; cùng bố mẹ sắm Tết, giúp bố mẹ lau dọn ban thờ; rửa bát; rửa cốc chén; tìm hiểu ý nghĩa của món ăn truyền thống ngày Tết; chuẩn bị bánh kẹo đón khách ngày Tết; làm việc tốt; đọc sách…

Bai tap tet y nghia

“Đọc xong bài tập chỉ mong mình bé lại”, “giáo viên tâm lý”, “thế này mới là Tết chứ”, “bài tập này cũng vất vả đấy, không đùa đâu”… là những chia sẻ của dân mạng về “bài tập Tết”.

Đọc thêm  Quy trình thiết kế bài giảng STEM gắn liền với thực tế

Mẫu bài tập tết ý nghĩa thứ ba

Thầy giáo Trần Minh, giáo viên Địa lý trường THCS – THPT Đào Duy Anh (TP.HCM) gọi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là “học kỳ Tết”. Học kỳ đặc biệt này thầy cũng giao bài tập về nhà nhưng học trò lại không cần trả bài.

Những bài học lớn mà thầy Minh muốn học trò mình lưu tâm là gia đình, nữ công gia chánh, định vị, thứ tha, sẻ chia và quản lý thời gian. Những bài học này cũng chính là bài tập mà thầy giáo trẻ giao cho học trò. Bởi để học và thấu hiểu được những bài học đó cũng chính là bài tập lớn của mỗi người.

Dưới đây là mẫu nội dung bài tập tết mà thầy giáo Trần Minh từng giao cho học sinh của mình đầu năm 2020

Bai tap tet y nghia

“Gửi các em học sinh yêu quý của thầy!

Đất nước mình trải dài trên mấy vĩ độ. Khi xuân về, nơi này mưa bụi bay bay và rét run người thì nơi khác gió Đông hây hẩy trong nắng hanh vàng.

Tết chính là học kỳ về gia đình. Khi ta có những ngày cảm nhận sâu sắc những điều tưởng vô cùng quen thuộc như quê nhà, tổ ấm, họ hàng thân thuộc, bạn cũ tình thâm …. Là Tết ấm trong gian bếp cũ, trong tim mọi người. Là tiếng gà gáy báo bình minh sau mảnh vườn ướt sũng sương đêm. Là biết mình đang lớn giữa những yêu thương và hi vọng.

Tết là học kỳ về nữ công gia chánh. Là bánh tét tròn xanh lá, là bánh chưng vuông vắn để cúng Giao thừa. Là chảo mứt gừng đang sên trên riu riu lửa đỏ. Là nồi thịt kho tàu, là hũ dưa hành. Là biết tảo tần tay mẹ, lòng bà. Là biết những thảo thơm làng xóm quê nhà. Là biết ta đã bớt vụng về trong gian bếp để thấu cảm về những bữa cơm nhà.

Tết là kỳ học về định vị. Cho dù ta đã thành thạo những công cụ định vị của Google thì Tết vẫn dạy ta định vị đường về nhà theo một cách thật đặc biệt nhất. Vì đường về nhà cũng là con đường đi thẳng vào tim.Tết dạy ta cách định vị những giá trị như chiếc neo để rồi giúp ta đủ tự tin để có thể đi thật xa như mình mong ước.

Tết là học kỳ của thứ tha. Những dỗi hờn trách giận phải lùi xa cùng năm tháng cũ. Vì phía trước có bao điều mới mẻ đang chờ ta cùng trải nghiệm. Tết còn dạy ta cách tha thứ với những thất bại của chính mình để có thể khơi nguồn sáng tạo, làm mình mới hơn khi năm mới đến.

Tết là học kỳ về sẻ chia. Là ta biết có một gia đình lớn bên ngoài gia đình nhỏ của mình. Là chia sẻ một nụ cười cho người xa lạ. Một chiếc áo ấm cho người vô gia cư. Một đôi dép nhỏ cho đứa trẻ vùng cao giá lạnh chân trần. Một bát cơm có thịt cho những ai đã quanh năm rau dại nấu muối cùng nước khe suối giữa rừng. Là gửi Tết ấm cho em, cho chị, cho bà, cho ông, cho những ai còn khốn khó. Tết là khi ta thực sự lớn lên từ những chia sẻ như vậy.

Tết là học kỳ về quản lý thời gian. Nhắc ta biết tháng ngày qua nghĩa là đi mất. Nhắc ta biết nhanh chân với những dự định, mục tiêu mà ta muốn đạt được trong ngắn ngủi cuộc đời”.

Có thầy cô tâm lý, bài tập Tết bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn đối với lũ trẻ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”!

Đọc thêm  Baamboozle - Nền tảng trò chơi Giáo dục độc đáo cho giáo viên và phụ huynh

Mẫu bài tập tết ý nghĩa thứ tư

10 bài tập Tết của thầy Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) khiến nhiều người xem xong không khỏi thích thú bởi nội dung chủ yếu liên quan đến những giá trị truyền thống, văn hóa và bài học ứng xử ngày Tết.

Bai tap tet y nghia

Cụ thể, 10 câu hỏi được thầy Hồ Tuấn Anh giao cho học sinh là:

1. Năm nay được nghỉ Tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ Tết.

2. Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 10 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?

3. Em có cùng bố mẹ dọn dẹp nhà để đón Tết không? Hãy miêu tả một số việc mà em đã tham gia.

4. Em có đi chợ Tết không? Hãy miêu tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão.

5. Ngày Tết em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì. Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?

6. Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?

7. Trong thời gian nghỉ Tết, em tham gia vào những hoạt động nào ở địa phương? Hãy miêu tả một số hoạt động mà em biết.

8. Thời khắc Giao thừa là rất thiêng liêng. Vào thời khắc đó em dành những lời chúc gì cho bố mẹ, ông bà và những người thân yêu?

9. Trong ngày Tết em thích nhất điều gì và ghét nhất điều gì?

10. Theo em làm thế nào để bảo vệ được sức khỏe trong thời gian nghỉ Tết?

Mẫu bài tập tết ý nghĩa thứ năm – Giao bài tập cho phụ huynh

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian phụ huynh cùng con nghỉ ngơi, sum vầy, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để hiểu trẻ. Đặc biệt qua hoạt động chung của gia đình, bố mẹ và con cái thêm gần gũi, gắn kết.

Với quan điểm, học sinh được nghỉ ngơi, “nạp” năng lượng chuẩn bị cho kỳ học mới thay vì giao bài tập về nhà, trong cuộc họp phụ huynh kết thúc học kỳ I, Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã lưu ý, hướng dẫn phụ huynh kỹ năng mềm, cách tổ chức các hoạt động để trẻ có kỳ nghỉ ý nghĩa, vui vẻ.

Cô Đinh Thị Thảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản cho biết: “Chúng tôi nói vui với phụ huynh rằng, dịp Tết, nhà trường sẽ giao bài tập cho cha mẹ, còn học sinh được nghỉ ngơi. Theo đó trường đưa ra các gợi ý cụ thể để phụ huynh tham khảo. Ví như: Trước Tết, cha mẹ cùng con dọn nhà, sắm Tết; trong những ngày Tết đưa trẻ đi thăm ông bà, người thân; sau nghỉ Tết tổ chức một số hoạt động để các em lấy lại đà học tập”.

Dành cho thầy, cô muốn sưu tầm mẫu file thiết kế minh họa ở trên, thầy, cô có thể xem file trên Canva tại đây: https://www.canva.com/design/DAF6ho6PxV0/UleYvJFrhVK530IeUSnxGA/view?utm_content=DAF6ho6PxV0&utm_campaign=designshare&utm_medium=link&utm_source=editor

(Edumizer.com sưu tầm)